Khuyến nông Ninh Bình
Thứ ba, 16/07/2024

Chào mừng 30 năm thành lập Trung tâm Khuyến nông Ninh Bình (1993-2023) 

Nho Hạ đen – cây trồng mới, hiệu quả kép

Thứ năm, 30/05/2024 43
  • Đánh giá cho bài viết:
  • 9 điểm ( 2 đánh giá )

          Với miền Bắc nói chung và tỉnh Ninh Bình nói riêng, cây nho là đối tượng cây trồng khá mới, bởi hầu hết các giống nho trước đây đều không phù hợp với điều kiện thời tiết của miền Bắc, nên năng suất, chất lượng kém, nhiều sâu bệnh.

          Tuy nhiên, thời gian gần đây, chắc hẳn khách du lịch và người dân địa phương trong tỉnh Ninh Bình không còn xa lạ với hình ảnh vườn nho sai trĩu, đẹp mắt, thu hút nhiều lượt khách tham quan, trải nghiệm tại vườn nho thuộc xã Ninh Giang, huyện Hoa Lư. Đây là đề tài nghiên cứu khoa học cấp tỉnh “Nghiên cứu ứng dụng tiến bộ kỹ thuật xây dựng mô hình trồng giống nho Hạ đen tại huyện Hoa Lư” do Trung tâm Khuyến nông Ninh Bình phối hợp với công ty TNHH Nông nghiệp Kỳ Lân thực hiện. Với mục tiêu xây dựng thành công mô hình trồng nho Hạ đen đảm bảo an toàn thực phẩm với năng suất và chất lượng tốt, tạo cảnh quan mới lạ, là không gian trải nghiệm, chụp ảnh cho khách du lịch trong và ngoài tỉnh. Khi hoàn thiện quy trình canh tác này không chỉ làm cơ sở nhân rộng ra các địa phương khác, hướng đến phát triển ngành nông nghiệp an toàn, ứng dụng công nghệ cao gắn với triển du lịch sinh thái của tỉnh Ninh Bình.

          Nho hạ đen nguồn gốc từ miền nam Trung Quốc, khi chín có màu tím thẫm, vỏ dày, thơm, vị ngọt đậm. Được Trường Đại học Nông lâm Bắc Giang đưa vào triển khai thử nghiệm tại Việt Nam năm 2017, đây cũng là đơn vị chuyển giao quy trình kỹ thuật trồng Nho Hạ đen trong quá trình thực hiện đề tài. 

          Đề tài được thực hiện trong thời gian 26 tháng, với 3 vụ sản xuất. Nho được trồng bắt đầu từ tháng 3/2022, với quy mô 700 cây được trồng với mái che đơn giản, 300 cây trồng trong nhà lưới có sẵn. Nho được chăm sóc đảm bảo quy trình kỹ thuật, ứng dụng một số công nghệ cao như trồng trong nhà lưới, hệ thống tưới tiết kiệm, luống phủ bạt đen, công nghệ giàn chữ Y… 

          Quan thời gian nghiên cứu cho thấy trong năm thứ nhất từ khi trồng đến khi thu hoạch là 235 ngày, các biện pháp kỹ thuật chăm sóc Nho sau trồng như ngắt ngọn, bấm ngọn sau lên giàn, cắt cành, xử lý ra hoa, đậu quả, tỉa quả, phòng trừ sâu bệnh hại được Ban chủ nhiệm theo dõi sát xao, nghiên cứu các giải pháp kỹ thuật phù hợp với điều kiện tự nhiên, điều kiện sản xuất của tỉnh ta nên cây nho Hạ đen đảm bảo sinh trưởng phát triển tốt. Đánh giá vụ Nho đầu tiên trong thời gian thực hiện đề tài cho thấy, đây là vụ quả bói, nho chưa thành thục, chủ yếu là sinh trưởng, sinh dưỡng nên cây cho quả ít. Năng suất đạt 0.9 tấn/3000m2, tương đương 3,0 tấn/ha. 

          Sang năm thứ 2, cũng với các biện pháp kỹ thuật thực hiện như năm thứ nhất  nhưng do cây đã ổn định, thành thục hơn, nên các yếu tố cấu thành năng suất đều cao hơn vụ thứ nhất, đặc biệt là vụ nho xuân - hè năm 2023. Các chỉ số về năng suất, chất lượng quả nho trong vụ này cao hơn rất nhiều:           Quả to, tỷ lệ nứt quả thấp, vỏ mỏng, phủ nhiều phấn trắng, 100% không hạt, độ ngọt cao hơn tiêu chuẩn quy định. Năng suất thực thu đạt 2.7 tấn/3000m2 tương đương 9 tấn/ha, tăng hơn 6 tấn/ha.

          Qua những kết quả của đề tài cho thấy, cây nho Hạ đen thích ứng với điều kiện tự nhiên của tỉnh ta, khi áp dụng đảm bảo quy trình kỹ thuật cây sinh trưởng, phát triển tốt, ít sâu bệnh, cho năng suất cao, chất lượng tốt, hoàn toàn có thể nhân rộng mô hình tại các địa phương trong tỉnh có điều kiện sinh thái tương đồng.

          Bên cạnh những ý nghĩa mà đề tài mang lại trong quá trình hoàn thiện quy trình kỹ thuật phù hợp với địa bàn tỉnh Ninh Bình, đề tài còn mang lại hiệu ứng tích cực trong việc phát triển nông nghiệp sinh thái gắn với phát triển du lịch phù hợp với định hướng của Ngành, tỉnh.

          Một mặt với hình thái màu sắc đẹp, thiết kế tạo tán hình chữ Y của vườn nho, cùng với đó là công tác tuyên truyền, khuyến cáo, nhân rộng hợp lý, hiệu quả của Ban chủ nhiệm đề tài đã thực hiện. Vườn nho Hạ đen của đề tài đã tạo được hiệu ứng lan tỏa trong hoạt động du lịch trải nghiệm, không chỉ với khách du lịch trong mà còn ngoài tỉnh. Từ những hoạt động tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, qua các trang mạng xã hội, vườn nho đã thu hút được nhiều khách tham quan, trải nghiệm. Qua 3 vụ sản xuất, vườn nho đã đón trên 3.000 lượt khách thamquan. Điều này không chỉ giúp cho chủ vườn nho tăng thu nhập mà còn tăng tính hiệu quả lan truyền, nhân rộng mô hình. 

          Với ý nghĩa to lớn về hiệu quả kinh tế, xã hội, môi trường của đề tài mang lại, cùng với sự nỗ lực, sát xao của Ban chủ nhiệm đề tài trong quá trình thực hiện, Hội đồng nghiệm thu khoa học cấp tỉnh đã xếp loại đề tài “Nghiên cứu ứng dụng tiến bộ kỹ thuật xây dựng mô hình trồng giống nho Hạ đen tại huyện Hoa Lư” đạt loại xuất sắc. Đây được đánh giá là mô hình tiêu biểu, mô hình kiểu mẫu có tính lan tỏa cao.

          Có thể nói tiềm năng của cây nho Hạ đen trên đồng ruộng là rất lớn. Người nông dân không chỉ thu hoạch quả mà còn có thể gắn với phát triển du lịch sinh thái, du lịch trải nghiệm, góp phần chuyển đổi cơ cấu nông nghiệp, tăng thu nhập cho người nông dân. Mô hình trồng nho Hạ đen đã đảm bảo mục tiêu kép nâng cao thu nhập cho người sản xuất và là mô hình điển hình về phát triển nông nghiệp gắn với phát triển du lịch mà các cấp đã định hướng trong thời gian qua./.

 

Nguyễn Thị Hồng – TT Khuyến nông NB

Khảo sát

Bạn quan tâm mục gì nhất trong Website của chúng tôi?