Khuyến nông Ninh Bình
Thứ ba, 16/07/2024

Chào mừng 30 năm thành lập Trung tâm Khuyến nông Ninh Bình (1993-2023) 

Khuyến nông Ninh Bình trong chuyển đổi phương thức trồng trọt và cơ cấu giống cây trồng

Thứ ba, 12/12/2023 852
  • Đánh giá cho bài viết:
  • 0 điểm ( 0 đánh giá )

      Thực hiện nhiều chương trình, Nghị quyết của Trung ương, của tỉnh qua các thời kỳ, với mục tiêu phù hợp với từng giai đoạn. Khuyến nông Ninh Bình đã hoàn thành nhiệm vụ cao cả trong công cuộc cụ thể hóa chủ trương chính sách tới ruộng đồng. 

      Từ những năm khi an ninh lương thực là mục tiêu được đưa lên hàng đầu với việc nâng cao năng suất sản lượng cây trồng nói chung và cây lúa nói riêng, những tiến bộ kỹ thuật mới về giống được coi là mục tiêu then chốt là yếu tố quan trọng để tạo nên bước đột phá. Cán bộ kỹ thuật trung tâm đã tiếp nhận và thực hiện các mô hình khảo nghiệm các giống lúa thuần KD18, Ải 32, Q5... đặc biệt là các giống lúa lai Nhị ưu 838, Nhị ưu 63, Bắc ưu 64, Bắc ưu 903 ... tiếp sau đó là các giống D.ưu 527, CNR36, Thục hưng 6, TH 3-3, HYT... Thông qua các hoạt động trình diễn khuyến nông, nông dân đã tiếp thu và mở rộng diện tích sản xuất nhanh chóng, đến năm 2002 toàn tỉnh đã đạt trên 60% diện tích gieo cấy bằng các giống lúa lai, góp phần tích cực đưa năng suất lúa năm 2011 đạt trung bình trên 120 tạ/ha/năm tăng 2,4 lần so với năm 1991. Cùng với đó, việc tiếp thu các giống mới có tiềm năng năng suất cao và thời gian sinh trưởng ngắn đã là điều kiện để bố trí lại cơ cấu mùa vụ, giảm trà lúa xuân sớm từ 70% xuống 50%, 30% đến nay chỉ còn 10% và thay bằng trà xuân muộn. Giảm trà lúa mùa muộn từ 80% đến nay xuống còn 5% và thay bằng trà mùa trung, mùa sớm để sản xuất cây vụ đông.

      Trong giai đoạn này, công tác Khuyến nông đã đóng vai trò nòng cốt trong nhiệm vụ chuyển giao TBKT, thực sự là chiếc cầu nối giữa Nhà nước - nhà khoa học - nhà doanh nghiệp và nhà nông. Lực lượng khuyến nông đã như một luồng gió mới giúp cho sự chỉ đạo sản xuất của các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương bước lên nấc thang giá trị mới.

      Cùng với việc đưa các giống lúa có năng suất cao vào sản xuất những người cán bộ khuyến nông dám nghĩ dám làm, đề xuất xây dựng các mô hình thâm canh tăng vụ, sản xuất lúa chất lượng và từng bước đưa các giống lúa thuần chất lượng cao vào sản xuất, góp phần nâng cao giá trị thu hoạch trên đơn vị canh tác như Khang dân 18, LT2, Bắc thơm số 7, TBR1, BC15, TBR45...góp phần tăng thu nhập cho nông dân. Đến năm 2005 cơ cấu ngành chỉ còn chiếm 30,9% cơ cấu kinh tế của tỉnh, đảm bảo an ninh lương thực với sản lượng hàng năm xung quanh 50 vạn tấn, lương thực bình quân đầu người trên 500kg/năm, giá trị 1 ha đất canh tác đạt khoảng 25-30 triệu/ha. Đời sống vật chất và tinh thần của người dân từng bước đi vào ổn định. 

      Trong thời điểm sản xuất Đông xuân luôn gặp khó khăn do rét đậm rét hại đầu vụ gây ra, nhất là khâu làm mạ, nhiều năm mạ chết do rét đã gây thiệt hại lớn cho sản xuất, để khắc phục khó khăn này, trung thực hiện nhiều mô hình đưa các giống lúa ngắn ngày, thích ứng rộng, khả năng chịu rét khá nhằm tăng tỷ lệ trà xuân muộn, đồng thời tiếp nhận và áp dụng thành công công nghệ che phủ Nilon trong cho mạ từ năm 1995 trên cơ sở mô hình của Nhật bản, đã khắc phục được ảnh hưởng của rét đậm, rét hạt tới sản xuất lúa trong vụ Xuân, công nghệ được nông dân tiếp nhận và ứng dụng nhanh chóng trong thực tiễn sản xuất, 100% diện tích mạ đều được che phủ nilon trong, luôn đảm bảo có đủ mạ tốt để cấy hết diện tích các trà lúa xuân (kể cả đợt rét lịch sử năm 2008). Đây được coi là dấu mốc quan trọng thêm một lần nữa khẳng định vị thế nòng cốt của Khuyến nông trong tiến trình phát triển của nghành Nông nghiệp. nghệ che phủ nilon được mở rộng áp dụng trong các cây trồng màu: Mô hình khuyến nông trồng lạc che phủ nilon, nhờ tác dụng giữ ấm, giữ ẩm, hạn chế cỏ dại, đất luôn được tơi xốp, nên lạc sinh trưởng phát triển tốt và năng suất tăng từ 10 - 15% so với sản xuất đại trà, được người nông dân mở rộng diện tích ra đại trà từ những năm 2000 để sản xuất và nhân giống. Từ các mô hình nền đó công nghệ che phủ nilon không chỉ giữ ấm, mà còn giúp giảm quá trình bay hơi nước của đất canh tác, giữ ẩm tốt, giúp người dân tiết kiệm được lượng nước tưới đáng kể trong quá trình canh tác. Điều này càng có ý nghĩa quan trọng đối với những vùng thường xuyên xảy ra hạn hán, những nơi canh tác thường bị thiếu nguồn nước tưới đảm bảo ổn định sản xuất, tăng năng suất. Hiện nay công nghệ che phủ nilon trong được áp dụng rộng khắp không chỉ cho gieo mạ mà còn trong trồng hầu hết các cây rau màu, mang lại hiệu quả cao.

      Hoạt động khuyến nông tiếp tục được mở rộng, thông qua sự liên kết phối hợp với các Doanh nghiệp đưa các giống Ngô lai như: Giống ngô Lai Việt nam, DK, Cipi, Baioseed... các giống lạc L14, L18, L23, L25 ... và giống đậu tương DT84, DT12, DT26, rau mầu các loại vào sản xuất nhằm đa dạng cây trồng, góp phần nâng cao năng suất và hiệu quả, đặc biệt là trong sản xuất trong vụ đông. Trên cơ sở xây dựng các mô hình khuyến nông thành công, lãnh đạo đơn vị đã tham mưu cho Sở và Tỉnh ban hành Nghị quyết số 03 về phát triển sản xuất vụ đông từng bước đưa vụ đông trở thành vụ sản xuất chính nâng cao thu nhập cho người nông dân. 

      Đồng hành với việc đưa các tiến bộ về giống, biện pháp canh tác vào sản xuất thì các tiến bộ về phân bón cũng luôn được khuyến nông chú trọng. Hàng năm, khuyến nông luôn chủ động phối hợp với các công ty sản xuất phân bón để tiến hành khảo nghiệm, trình diễn những loại phân bón mới như Việt Nhật, Năm Sao, NPK Ninh Bình, NPK Lâm Thao, NPK Bình Điền, DAP Đình Vũ trên nhiều đối tượng cây trồng khác nhau để đánh giá và khuyến cáo nông dân áp dụng vào sản xuất đã góp phần giảm chi phí đầu tư, nâng cao hiệu quả kinh tế.

      Các tiến bộ kỹ thuật trong lâm nghiệp cũng được khuyến nông triển khai có kết quả, đó là hướng dẫn nông dân chăm sóc, quản lý, bảo vệ rừng trồng mới, các biện pháp canh tác trên đất dốc nhằm khai thác rừng có hiệu quả và bền vững, đồng thời tiếp thu và xây dựng các mô hình với hàng trăm ha diện tích trồng mới bằng các giống: Tre lấy măng, Trám ghép, keo lai, keo tai tượng, lát Mêhicô ... đã góp phần  thay đổi nhân thức của người dân về tậ quán canh tác, đặc biệt ứng dụng tổng hợp các phương thức canh tác nông lâm kết hợp theo phương châm “lấy ngắn nuôi dài”, trồng rừng xen nhiều tầng tán, nhiều loài cây tận dụng không gian sinh dưỡng, chống xói mòn, rửa trôi đất, đa dạng các nguồn thu từ sản xuất, ổn định đời sống cho người làm nghề rừng.

      - Gieo thẳng lúa: Năm 2008 Trung tâm thực hiện mô hình gieo thẳng lúa bằng giàn kéo tay, ban đầu chỉ mới 2ha đưa vào sản xuất thử nghiệm, kết quả cho thấy những ưu điểm vượt trội của công nghệ gieo thẳng như giảm chi phí đầu tư, giảm công lao động, chủ động thời vụ, năng suất và hiệu quả kinh tế cao hơn so với lúa cấy. Nông dân thự sự phấn khởi khi tham quan học tập tại mô hình, dưới sự hướng dẫn chuyển giao của đội ngũ cán bộ khuyến nông các cấp, diện tích lúa gieo thẳng đã tăng liên tục qua các năm, đến nay diện tích gieo thẳng toàn tỉnh đã đạt trên 5000ha.

z4967351962731_4883c5614029be18021829836

Ảnh: Máy cấy lúa phục vụ sản xuất Nông nghiệp

      Việc đưa cơ giới hóa vào sản xuất ngoài việc giải phóng sức lao động, giảm áp lực thiếu lao động nông nghiệp trong lúc thời vụ (gieo cấy, thu hoạch), giảm tổn thất trong và sau thu hoạch, nâng cao hiệu quả sản xuất mà còn từng bước góp phần vào công cuộc CNH, HĐH nông nghiệp, nông thôn và thực hiện thành công chương trình mục tiêu quốc gia Xây dựng Nông thôn mới. Từ kết quả những mô hình khuyến nông hỗ trợ về máy làm đất, và máy gặt đập liên hợp, máy cuộn rơm đã cho thấy, năng suất, chất lượng và hiệu quả sản xuất tăng rõ rệt, nông dân rất phấn khởi và tích cực đầu tư mở rộng. Để đáp ứng yêu cầu mới trong tình hình mới khi khoa học công trong và ngoài nước không ngừng phát triển mạnh, nhất là cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Cùng với tiến trình hội nhập kinh tế toàn cầu sâu hơn, rộng hơn với những hiệp định thương mại, đặc biệt là nhu cầu của thị trường về nông sản an toàn, nông sản sạch. Sở NN&PTNT đã tham mưu Tỉnh Ban hành Nghị quyết số  05 của BCH đảng bộ tỉnh về PT kinh tế nông nghiệp theo hướng hàng hóa ứng dụng công nghệ cao, hình thức sx tiên tiến, bền vững. Trung tâm tiếp tục đưa nhanh các TBKT về giống, phân bón, thuốc BVTV thế hệ mới vào SX, đồng thời xây dựng thành công mô hình cơ giới hóa đồng bộ trong sản xuất, nhất là SX lúa từ làm đất, gieo cấy, chăm sóc phòng trừ sâu bệnh, thu hoạch, sơ chế (sấy). Đến nay 100% diện tích sản xuất được làm đất bằng máy, >90% diện tích lúa được thu hoạch bằng máy gặt đập liên hợp. Nhiều máy cấy, máy cuộn rơm, máy sấy được người sản xuất mở rộng trong sản xuất. Đặc biệt kịp thời tiếp cận xu thế công nghệ tiên tiến, hiện đại, ứng dụng công nghệ thông minh 4.0 cho lĩnh vực có lợi thế, mô hình khuyến nông sử dụng máy bay không người lái để phun thuốc BVTV, ứng dụng công nghệ định vị vệ tinh, kim phun điện tử với công suất 4ha/giờ. Hiện nay, các địa phương cơ bản giải quyết được khâu phòng trừ dịch bệnh trên lúa nhanh chóng, hiệu quả. Cùng với đó Trung tâm đã đưa công nghệ gieo mạ khay - cấy máy vào sản xuất nhằm giảm công lao động, chủ động trong gieo cấy, tăng năng suất, tạo điều kiện để mở rộng sản xuất theo hướng hữu cơ và hữu cơ. Với công nghệ gieo mạ khay bằng giàn gieo tự động đã tiết kiệm 25-30% lượng giống, tiết kiệm thời gian và công lao động (trong 1h gieo được 650-800 khay mạ, đủ để cấy cho diện tích 2- 3ha lúa). Lúa được cấy bằng máy cấy 6 hàng, ngồi lái, góp phần giảm chi phí nhân công lao động, năng suất cấy đạt 4 – 5ha/ngày tương đương 120 - 150 người cấy theo truyền thống, lúa được cấy bằng máy đảm bảo sự đồng đều về mật độ, lúa được cấy tập trung, gọn vùng, gọn thửa, đồng giống, đồng trà, thuận lợi cho việc đồng bộ cơ giới hóa trong sản xuất. Mô hình gieo mạ khay, cấy máy gắn với sản xuất lúa theo hướng hữu cơ (không thuốc trừ cỏ trừ ốc) đem lại hiệu quả kinh tế rõ rệt về kinh tế - xã hội và môi trường, góp phần tăng thêm 15% giá trị gia tăng so với sản xuất truyền thống, đồng thời để giải quyết được bài toán thiếu hụt lao động nông nghiệp và đặc biệt là hạn chế sử dụng hóa chất trong sản xuất. nhiều vùng lúa chất lượng cao, lúa hàng hóa, sản xuất theo quy trình VietGhap,  hướng hữu cơ đã được hình thành. Đây có thể xem là khâu đột phá then chốt làm cơ sở để định hướng tổ chức lại cho ngành hàng lúa gạo của tỉnh, phát triển nông nghiệp theo chuỗi giá trị, được các cấp, các ngành và nông dân đánh giá cao. Trong thời gian tới, nhằm đẩy mạnh ứng dụng cơ giới hoá trong sản xuất, đặc biệt hướng tới ứng dụng cơ giới hoá tạo chuỗi giá trị đồng bộ, Khuyến nông tiếp tục xây dựng các mô hình đồng bộ cơ giới hoá đặc biệt chú trọng các thiết bị công nghệ thông minh vào sản xuất (máy làm đất cải tiến kết hợp công cụ san phẳng mặt ruộng bằng công nghệ lase, máy cấy không người lái, máy bón hân, phun thuốc BVTV không người lái, máy cắt cỏ tự động…) nhằm đáp ứng ngày một tốt hơn yêu cầu từ thực tiễn sản xuất, thay thế lao động trực tiếp, giảm chi phí, kịp thời vụ, giảm tổn thất sau thu hoạch, tăng giá trị gia tăng trên diện tích canh tác. 

      Cây rau, củ, quả, được đơn vị xây dựng mô hình theo hướng tập trung, mở rộng tạo các vùng liên kết sản xuất, phong phú về chủng loại, linh hoạt về thời vụ, áp dụng quy trình sản xuất an toàn, sản xuất theo hướng hữu cơ, ứng dụng công nghệ cao, công nghệ thông minh. Các mô hình ứng dụng công nghệ cao như nhà lưới, nhà kính, hệ thống tưới phun mưa, tưới nhỏ giọt, cải tiến giàn treo, sử dụng công nghệ thông minh điều khiển hệ thống tưới nước, tự phân tích lượng nước, ẩm độ, nhiệt độ trong khu sản xuất được đưa vào ứng dụng thành công. Các cơ sở sản xuất đã được chứng nhận đảm bảo đủ điều kiện an toàn vệ sinh thực phẩm, sản phẩm được chứng nhận theo tiêu chuẩn VietGAP, gắn tem truy suất nguồn gốc, được các công ty ký kết thu mua sản phẩm, giá bán thường cao hơn 20 - 50% so với sản phẩm cùng loại ngoài đại trà, giá trị thu hoạch ước đạt 500 -700 triệu đồng/ha/năm (có mô hình đạt 1,5 - 2 tỷ đồng/ha/năm). 

      Bên cạnh đó, thực hiện chủ trương chuyển đổi diện tích canh tác kém hiệu quả sang sản xuất các đối tượng cây trồng, các mô hình phát triển tổng hợp khác nhằm nâng cao giá trị sản xuất trên đơn vị diện tích, khai thác tối ưu hiệu quả của đất nông nghiệp. Trung tâm đã thực hiện nhiều mô hình chuyển đổi như mô hình chuyển đổi một số diện tích cây trồng kém hiệu quả sang trồng cỏ làm thức ăn chăn nuôi trên địa bàn huyện gia viễn, nho quan, mô hình Cải tạo vườn tạp sang trồng cây ăn quả, trồng dược liệu, điển hình là mô hình chuyển đổi đất lúa xen kẹt kém hiệu quả sang trồng Ổi Đài Loan tại xã Khánh Thành huyện Yên Khánh, trồng lúa màu kém hiệu quả sang trồng chuối kết hợp với nuôi trồng thủy sản tại xã Yên từ huyện Yên Mô. Các mô hình chuyển đổi mang lại hiệu quả kinh tế cao cho giá trị thu hoạch gấp 4-6 lần có mô hình gấp 10 lần so với trồng lúa.

      Với những kết quả to lớn trong việc phát triển sản xuất nâng cao năng suất, chất lượng cây trồng mà Khuyến nông Ninh Bình đã đạt được trong thời gian qua. Phát huy truyền thống và thành tựu bề dày lịch sử 30 năm xây dựng và trưởng thành. Khuyến nông Ninh Bình tiếp tục cùng chung sức, đồng lòng xây dựng hệ thống ngày càng phát triển vững mạnh, tiếp tục đồng hành cùng người dân hoàn thành sứ mệnh của mình trong thời kỳ mới và cùng viết thêm những trang sử vẻ vang, đưa khuyến nông Ninh Bình lên một tầm cao mới, góp phần cùng toàn ngành Nông nghiệp đưa kinh tế nông nghiệp phát triển toàn diện và bền vững.

Nguyễn Thị Hồng - Trung tâm Khuyến nông Ninh Bình

Khảo sát

Bạn quan tâm mục gì nhất trong Website của chúng tôi?