Khuyến nông Ninh Bình
Thứ ba, 16/07/2024

Chào mừng 30 năm thành lập Trung tâm Khuyến nông Ninh Bình (1993-2023) 

Hướng dẫn kỹ thuật trồng khoai tây vụ đông

Thứ tư, 22/11/2023 441
  • Đánh giá cho bài viết:
  • 0 điểm ( 0 đánh giá )

     1. Đất trồng

       Cây khoai tây thích hợp với chân đất tơi xốp, đất cát pha, đất thịt nhẹ. Cần quy hoạch tập trung, gọn vùng, chủ động tưới tiêu, tốt nhất là ruộng luân canh với lúa nước.

     2. Thời vụ

          - Vụ sớm: Trồng đầu tháng 10, thu hoạch vào tháng 12

          - Vụ đông (vụ chính): Trồng từ 15/10 – 15/11, thu hoạch vào cuối tháng 1, đầu tháng 2 năm sau.

          - Vụ Xuân: Trồng tháng 12, thu hoạch vào đầu tháng 3 năm sau.

          Đối với chân đất gieo cấy lúa Xuân muộn, nên có gắng phấn đấu trồng xong trước 15/11 để kịp thu hoạch trước khi cấy lúa Xuân muộn.

     3. Giống

          Một số giống khoai tây đang được trồng phổ biến như: Giống Diamant (Hà Lan), Atlantic (Úc), Solara (Đức), VT2 (Trung Quốc) là những giống cho năng suất khá, khả năng chống chịu tốt với các đối tượng gây hại, ruột củ màu vàng nên chất lượng thơm ngon.

          Sử dụng giống đảm bảo chất lượng, được xử lý phá ngủ nghỉ và ở trạng thái trẻ sinh lý (mỗi củ giống có từ 2 – 4 mầm, mầm khỏe và mềm có độ dài từ 0,2 – 2,0cm, vỏ củ còn căng)

          Lượng giống: Sử dụng 1.500 kg/ha (tương đương 54 kg/sào) nếu củ to có nhiều mầm nên bổ thành miếng, mỗi miếng có từ 2 – 3 mầm khỏe.

          Phương pháp bổ củ giống: Quan sát tìm vị trí cắt và dùng dao sắc (nên dùng dao inox) để bổ dọc củ, sao cho mỗi miếng củ giống có từ 2 - 3 mầm. Sau mỗi lần bổ xong một củ cần nhúng dao vào nước xà phòng đặc, có tác dụng tránh lây bệnh từ củ này sang củ khác. Khi bổ xong chấm mặt cắt miếng khoai vào bột xi măng khô để miếng khoai không bị chảy nhựa và để hạn chế sự xâm nhập của nấm bệnh, vi khuẩn và virut gây hại, để nơi thoáng mát, rải đều không để đống và sau 12 tiếng có thể đem đi trồng.

     4. Phân bón

     *Tính trên 01 ha:

          Phân hữu cơ: 2.000 kg

          Supe lân: 938 kg

          Đạm Urê: 326 kg

          Kaliclorua: 300 kg

          Nếu dùng phân NPK cần đọc kỹ hướng dẫn trên bao bì và quy đổi về dạng phân đơn để điều chỉnh lượng bón cho phù hợp và cân đối.

          * Cách bón:

     - Bón lót: toàn bộ phân hữu cơ + 100% Supe lân + 1/3 đạm Urê vào rạch, sau đó phủ kín phân bằng 1 lớp đất bột rồi đặt củ giống (nếu trồng đất ướt không nên bón lót phân đạm).

     - Bón thúc lần 1: Khi cây khoai tây đạt chiều cao từ 15 - 20cm, tiến hành bón 1/3 lượng đạm Urê và 1/2 lượng Kali, kết hợp nhổ cỏ và vun luống.

      - Bón thúc lần 2: Sau bón thúc lần 1 từ 15 - 20 ngày, bón hết toàn bộ lượng phân còn lại, kết hợp làm cỏ và xới vun cao tạo vồng.

     5. Kỹ thuật trồng

      * Làm đất: 

       - Nếu đất khô tiến hành cày bừa làm nhỏ đất, nhặt sạch cỏ dại và lên luống. Nếu đất còn ướt áp dụng biện pháp làm đất tối thiểu.

       - Lên luống, có 2 phương thức: Luống trồng hàng đôi và luống trồng hàng đơn.

        + Nếu trồng hàng đôi, lên luống rộng 1,0 - 1,2m. 

        + Nếu trồng hàng đơn lên luống rộng 60 - 70 cm. 

      Chiều cao luống 20 – 25cm, rãnh rộng 20 - 25 cm.

      Với luống đôi, rạch 2 hàng trên luống, hàng cách hàng 45 - 50cm, cách mép luống 20 - 25cm.

      * Kỹ thuật trồng: Trồng với mật độ 4 - 5 hốc/m2, hốc cách hốc từ 25 - 30cm, đặt mầm hướng lên trên, rồi phủ kín mầm bằng 1 lớp đất dày từ 3 - 4cm. 

        Chú ý: Không được để hở mầm, không được đặt củ giống tiếp xúc với phân, những củ giống được bổ thành miếng nên trồng riêng để tiện chăm sóc. 

        Sau khi trồng xong có thể phủ 1 lớp rơm rạ hoặc lớp trấu lên để giữ ẩm cho đất, tưới nước không bị xói đất.

     6. Chăm sóc

      - Thường xuyên giữ đất đủ ẩm cho cây khoai tây;

      - Có thể dùng phương pháp tưới thu hoạch vào ngày khô ráo gốc hoặc tưới rãnh; 

       + Với ruộng phẳng, gần nguồn nước tưới nên dùng phương pháp tưới rãnh. Khi phát hiện trên ruộng có bệnh héo xanh vi khuẩn thì tuyệt đối không được áp dụng biện pháp tưới rãnh;

       + Tưới gốc: là tưới xung quanh gốc, thường kết hợp với hòa phân để tưới;

      - Ngừng tưới nước trước khi thu hoạch khoảng 2 tuần.

     7. Phòng trừ sâu bệnh

          * Biện pháp phòng trừ: Phòng trừ tổng hợp

          - Luân canh cây trồng;

          - Chọn giống chống chịu;

          - Tỉa bỏ, thu gom, tiêu hủy lá già, lá bệnh trên ruộng;

          - Bón phân, tưới nước cân đối, hợp lý theo nhu cầu của cây;

          - Thường xuyên thăm ruộng, phát hiện sớm và phòng trừ kịp thời các đối tượng gây hại theo hướng dẫn của Chi cục Trồng trọt và BVTV.

          - Lưu ý một số đối tượng chính như: sâu khoang, sâu xám, bệnh héo xanh vi khuẩn, mốc sương, rệp, nhện trắng.

     8. Thu hoạch

      Khi thấy lá vàng, cây héo dần là có thể thu hoạch được, thu hoạch vào ngày khô ráo. Nếu gặp mưa thì phải tháo kiệt nước.

Đan Thị Ngọc - Trung tâm Khuyến nông

Khảo sát

Bạn quan tâm mục gì nhất trong Website của chúng tôi?