
Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Ninh Bình, nắng nóng tiếp tục xuất hiện và kéo dài trong thời gian tới với nền nhiệt độ cao phổ biến 36-38 độ C, nhiệt độ trung bình ban ngày ngoài trời có nơi lên đến 40 độ C. Nhiệt độ cao như vậy ảnh hưởng lớn tới sản xuất nông nghiệp, nhất là cây rau màu. Trước tình hình đó, người dân cần chủ động thực hiện các biện pháp phòng, chống nắng, nóng cho cây rau màu để giảm thiệt hại về kinh tế cũng như hạn chế dịch bệnh phát sinh. Sau đây là một số biện pháp kỹ thuật bà con cần lưu ý chống nắng cho cây rau màu:
1. Về chọn giống
Sử dụng các loại giống tốt, có nguồn gốc rõ ràng từ những cơ sở cung cấp giống có uy tín, chọn các loại giống chịu nhiệt tốt, nên chọn trồng các loại rau lá nhỏ, có bộ tán lá gọn để giảm sự thoát hơi nước, thời gian sinh trưởng ngắn, sớm cho thu hoạch.
Thông thường bà con nên chọn các loại rau như rau ngót, rau muống, rau dền, các loại bầu bí, mướp đắng, dưa chuột… Đây là các giống rau phù hợp sinh trưởng trong thời tiết mùa hè mà lại cho năng suất cao.
2. Bón phân đúng cách
Sử dụng phân chuồng trộn vào đất trước khi gieo hạt để tránh thương tổn do phân gây ra và hạn chế thất thoát phân bón. Phân chuồng phải hoai mục, nếu phân chưa hoai chứa nhiều vi sinh vật có thể cạnh tranh dinh dưỡng với cây con và gây ngộ độc cho rễ cây do phân đang trong thời gian tiếp tục phân huỷ. Nếu không có phân chuồng có thể sử dụng phân hữu cơ hoặc một số loại phân tổng hợp giàu kali để tăng sức chống chịu cho cây rau.
Trong quá trình rau phát triển cần bón thúc bổ sung dinh dưỡng, nhưng nên bón vùi vào gốc (tức là rạch rãnh xung quanh gốc và các gốc 20 cm, bón phân xong lấp đất lại). Cách này sẽ tránh được hiện tượng phân bay hơi trong những ngày nắng nóng.
Bà con có thể sử dụng hệ thống tưới nhỏ giọt, sử dụng hệ thống châm phân trong nhà màng, nhà lưới… tiết kiệm nước tưới, tiết kiệm được phân bón, công bón phân và đạt được hiệu quả bón phân cho cây rau màu.
3. Cách tưới nước
Mùa hè cây rau rất cần nước, bà con có thể sử dụng nhiều biện pháp tưới như tưới phun, tưới tràn, ngày tưới 2 lần vào sáng sớm và chiều mát.
Nếu có điều kiện bà con nên lắp đặt hệ thống tưới phun mưa, tưới nhỏ giọt rất phù hợp với cây rau ăn lá, cây rau màu vừa giảm thiểu công lao động, thời gian tưới rau, tiết kiệm nước tưới và đạt hiệu quả cao trong thời thiết nắng nóng.
4. Che phủ đất
Trong những ngày nắng nóng, mặt đất rất dễ bị bay hơi nước gây khô hạn. Mặc dù bà con cung cấp nước thường xuyên nhưng cường độ nắng gay gắt trong ngày cũng sẽ làm cho nước bay hơi hết, cây thiếu nước và khó phát triển. Bà con sử dụng màng nilon đen, rơm rạ, cỏ khô hoặc bao xi măng,…phủ xung quanh gốc cây để giữ ẩm, hạn chế việc thoát hơi nước khi trời nóng.
5. Tạo bóng cho cây rau màu
Trong điều kiện thời tiết nắng nóng gay gắt kéo dài, bà con có thể sử dụng màng che, lưới che nắng hoặc trồng rau trong nhà màng, nhà lưới để giảm lượng ánh nắng trực tiếp và giữ ẩm cho đất. Khuyến khích bà con đầu tư áp dụng các mô hình công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp như nhà lưới, hệ thống tưới, tiêu tự động, chế biến, bảo quản thực phẩm rau màu... nhằm hạn chế ảnh hưởng, tác động của thời tiết nắng nóng đến sản xuất, từ đó giảm thiểu thiệt hại, nâng cao hiệu quả kinh tế. Bên cạnh đó trồng cây trong nhà màng, nhà lưới còn ngăn chặn được côn trùng và sâu bệnh, hạn chế sử dụng phân thuốc, công chăm sóc…giúp cây phát triển tốt cho năng xuất cao hơn.
6. Một số lưu ý sâu bệnh cây rau màu trong mùa nắng nóng
Trên cây rau màu thường xuất hiện một số sâu bệnh hại: sâu tơ, sâu xanh, sâu khoang, bọ nhảy, bệnh thối nhũn, bệnh đốm vòng, bệnh thối hạch, bệnh lở cổ rễ… Để phòng trừ hiệu quả, cần áp dụng đồng bộ các biện pháp quản lý dịch hại tổng hợp, theo dõi phát hiện sớm để có biện pháp thích hợp trong chăm sóc, bảo vệ cây rau màu theo sự khuyến cáo của Chi cục Trồng trọt và BVTV.
Đan Thị Ngọc - TT Khuyến nông
Bạn quan tâm mục gì nhất trong Website của chúng tôi?