
MỘT SỐ LƯU Ý KHI TRỒNG VÀ CHĂM SÓC CÂY DƯA CHUỘT TRONG VỤ ĐÔNG
- Giống: Hiện nay có nhiều loại giống khác nhau, dựa vào thời vụ trồng mà ta chọn giống cho phù hợp:
+ Vụ Đông Xuân (thời vụ trồng từ tháng 11 năm trước đến tháng 2 năm sau): Sử dụng các nhóm giống nếp, lai nếp như nếp số 1, nếp địa phương, nếp lai, ...
+ Vụ Hè Thu (trồng từ tháng 4 đến tháng 7): Sử dụng các nhóm giống chịu nhiệt như Hoa Sen 118, VL 103, Tre Việt 108, TV109, TV110, Kichi, ...
+ Vụ Thu Đông (trồng từ tháng 8 - tháng 11): chủ yếu sử dụng các nhóm giống ưa mát như HTM 178, PC1, PC4, Sakura, Dưa chuột Tre Việt, Kichi,....
Dưa chuột yêu cầu đất nghiêm khắc do bộ rễ yếu và sức hấp thụ của rễ kém, nếu gặp hạn hay úng hoặc nồng độ phân cao, bộ rễ dưa dễ bị vàng khô, vì thế nên trồng dưa trên đất có thành phần cơ giới nhẹ như cát pha, đất thịt nhẹ thoát nước tốt, có nhiều chất hữu cơ, pH từ 6,5-7,5. Đất trồng không quá phèn, mặn (kiềm), nếu độ pH dưới 5 thì phải bón thêm vôi.
Chọn đất vụ trước không trồng họ bầu bí (dưa chuột, dưa hấu, bí rợ…) là tốt nhất. Đất trồng dưa chuột phải cày bừa kỹ cho tơi xốp, làm sạch cỏ, trồng vào mùa mưa phải lên luống cao 20 - 25cm và đào rãnh thoát nước tốt. Luống trồng có thể phủ nilon để giữ ẩm và hạn chế cỏ dại. Làm luống rộng 1m, rãnh 30 cm.
Sử dụng các loại chế phẩm sinh học để sử lý đất như các loại chế phẩm có chứa nấm đối kháng trichoderma.
- Kỹ thuật trồng, mật độ, khoảng cách trồng: Các giống lai F1 thường trồng hàng x hàng 60cm; cây x cây 40 - 45cm. Mật độ trồng 30.000 - 35.000 cây/ha. Tránh trồng quá dày dễ phát sinh sâu, bệnh hại.
- Làm cỏ, tưới nước và các biện pháp kỹ thuật khác:
+ Tưới nước: Sử dụng nguồn nước không bị ô nhiễm, nước giếng khoan, nước suối đầu nguồn, không sử dụng nước thải, nước ao tù, ứ đọng lâu ngày.
Tưới nước là biện pháp cần thiết để tăng năng suất. Nếu độ ẩm đất thấp hơn 70% cần tiến hành tưới cho dưa chuột để đảm bảo đất có độ ẩm 85-90%. Lượng nước tưới, số lần tưới cần căn cứ vào độ ẩm đất trước lúc tưới.
+ Thường xuyên ngắt lá già, lá bệnh để cho ruộng thông thoáng, giảm thất thoát dinh dưỡng.
- Làm giàn: Sau khi bón thúc lần 2 có thể tiến hành làm giàn, dùng cọc dài khoảng 2,5m, cắm hình chữ A sau đó phủ lưới nilon có mắt lưới rộng 20cm lên dàn để cho dưa leo. Thường xuyên buộc thân dưa vào dàn để dây và trái sau này không bị tuột xuống. Dùng dây nilon căng ngang và dọc theo dàn, nhiều tầng để tua cuốn dây dưa có nơi bám chắc chắn.
- Phân bón: Lượng phân bón cho 1 sào Bắc bộ (360 m2):
+ Phân chuồng hoai mục: 500 kg + Vôi: 25 kg + Phân hữu cơ vi sinh: 72 kg | + Lân supe: 20 kg + Đạm ure: 12 kg + Kali: 10 kg |
- Cách bón:
+ Bón lót: Toàn bộ phân hữu cơ vi sinh và phân lân supe + 20 kg lân supe+ 2kg ure +4 kg KCl. Vôi rắc đều vào đất trước khi lên luống.
+ Bón thúc lần 1 (sau trồng 10 ngày): Bón 2 kg đạm
+ Bón thúc lần 2 ( sau trồng 20 ngày): Bón + 4 kg đạm + 2 kg kali
+ Bón thúc lần 3 ( sau trồng 40 ngày): Bón 4 kg đạm + 4 kg kali
Các lần bón cách nhau 10-20 ngày, nên hòa ra để tưới cho cây hấp thu dinh dưỡng nhanh.
Chú ý: Không bón phân khi thời tiết rét đậm, rét hại
Các đối tượng sâu bệnh hại chính trên dưa chuột như sâu vẽ bùa, bọ trĩ, bọ phấn, bọ dưa, sâu ăn lá, bệnh lở cổ rễ, thán thư, sương mai, phấn trắng, khảm virus. Để phòng trừ bà con cần áp tổng hợp các biện pháp:
- Luân canh cây trồng;
- Chọn giống chống chịu;
- Vặt bỏ, thu gom, tiêu hủy lá già, lá bệnh trên ruộng;
- Bón phân, tưới nước cân đối, hợp lý theo nhu cầu của cây;
- Thường xuyên thăm ruộng, phát hiện sớm và phòng trừ kịp thời các đối tượng gây hại theo hướng dẫn của Chi cục Trồng trọt và BVTV
Bùi Thị Phúc - TTKN
Bạn quan tâm mục gì nhất trong Website của chúng tôi?