MỘT SỐ BIỆN PHÁP KỸ THUẬT VỀ NGÂM Ủ VÀ GIEO MẠ VỤ MÙA
Thời tiết vụ Mùa thường diễn biến rất phức tạp: Mưa, bão, úng, lụt thường xuyên xảy ra. Vì vậy để có được một trà mạ tốt đảm bảo chất lượng và đúng khung thời vụ, bà con cần lưu ý một số biện pháp kỹ thuật về làm mạ vụ mùa như sau:
- Thời vụ, giống:
Tùy thuộc vào tình hình thu hoạch lúa xuân để bố trí gieo mạ cho phù hợp.
Trà Mùa sớm :
Gieo mạ: từ 05 – 15/6 bằng phương thức mạ nền hoặc dày xúc chủ yếu dùng các giống ngắn ngày từ 90-110 ngày; Để làm vụ đông sớm cấy tập trung từ 20 – 30/6;
Trà Mùa trung:
Gieo mạ nền hoặc dày xúc, thời gian gieo mạ từ 15 – 25/6. Để làm vụ đông muộn, cấy xong càng sớm càng tốt, xong trước ngày 25/7. Sử dụng các giống lúa có thời gian sinh trưởng từ 105-125 ngày
Trà Mùa muộn:
Gieo mạ dược từ 25 – 30/5, dùng các giống dài ngày từ 160-165 ngày, chủ yếu: Tám, Nếp, Dự. Cấy tập trung từ 01-15/7
Tuỳ theo chân đất để bố trí giống lúa cho phù hợp. Gieo cấy chủ yếu bằng các giống lúa như: Khang Dân 18, Nếp 97, Hoa ưu 109, Thiên ưu 8, BC 15, TBR 225, DQ11, Thục Hưng 6, CT16, …
- Lượng giống:
Tùy thuộc vào phương thức sản xuất để xác định lượng giống gieo cho phù hợp. Đối với lúa lai lượng giống gieo từ 0.8 – 1kg, đối với lúa thuần lượng giống gieo từ 1.2 – 2kg cho 1 sào lúa cấy.
- Kỹ thuật ngâm, ủ hạt giống
Hạt giống trước khi ngâm cần xử lý để loại bỏ hết hạt lép, lửng, cỏ dại, tạp chất và 1 số nấm bệnh còn tồn dư trên vỏ trấu bằng: dung dịch nước muối 15%: Pha 1,5 kg muối ăn hòa với 10 lít nước sạch, sau đó đổ thóc giống vào dung dịch nước muối đã pha theo tỷ lệ 1 phần thóc 3 phần nước, dùng rá vớt bỏ những hạt nổi, hạt lơ lửng trong nước, gạn lấy những hạt chìm mang đãi sạch, tiếp tục ngâm với nước sạch.
Về thời gian ngâm hạt giống: Đối với lúa lai ngâm từ 12 – 18 tiếng, với lúa thuần ngâm từ 30 – 36 tiếng.
Trong quá trình ngâm cứ 5-6 tiếng cần vớt hạt giống ra rửa kỹ và thay nước mới do trong quá trình ngâm hạt giống hô hấp hiếm khí, thiếu ôxi làm nước bị chua đây cũng là tác nhân làm giảm tỷ lệ nảy mầm của hạt giống.
Sau khi ngâm hạt giống no nước thì vớt hạt giống ra đãi sạch để ráo nước, sau đó cho vào thúng, rổ rá hoặc túi vải có khả năng thoát nước và giữ ẩm tốt, tuyệt đối không dùng bao nilon kín, khó thoát nước và bí hơi. Vụ mùa cần ủ ở nơi thoáng mát.
Trong quá trình ủ phải thường xuyên kiểm tra để đảo đều hạt giống
Khi hạt giống nảy mầm, thấy mầm dài, rễ ngắn thì cần bổ sung thêm nước vào và đảo trộn hạt giống rồi tiếp tục ủ thúc rễ phát triển. Ngược lại nếu thấy mầm quá ngắn, rễ lại dài thì phải đảo trộn hạt giống từ trong ra ngoài, từ ngoài vào trong, từ trên xuống, từ dưới lên để cung cấp dưỡng khí cho mầm phát triển.
Khi mộng mạ dài bằng 1/3-1/2 hạt thóc, rễ dài bằng hạt thóc là có thể tiến hành đem gieo.
Ảnh: Hướng dẫn kỹ thuật gieo mạ tại xã Kim Định, huyện Kim Sơn
- Kỹ thuật gieo mạ: Chọn vị trí gieo phải là nơi phẳng, tráng nắng, tưới tiêu tốt, tiện cho chăm sóc và bảo vệ, lựa chọn phương pháp gieo mạ nền, mạ dầy xúc hay mạ dược sao cho phù hợp với điều kiện chân đất của từng vùng.
Đối với gieo mạ nền:
Cần lấy bùn ruộng, bùn ao nơi tráng nắng và lấy trước khi gieo từ 2-3 ngày để giải phóng các khí độc trong bùn. Không lấy bùn ở các ao tù nước đọng vì sẽ ảnh hưởng đến STPT của mạ sau này và có thể gây nên hiện tượng mạ chết.
Diện tích gieo mạ để cấy cho 1 sào khoảng 4-6m2.
Lượng bùn lấy làm mạ cấy cho 1 sào được trộn với 0,3-0,5kg lân super đã đập mịn, sau đó trải bùn thành luống rộng 1-1,2m và độ dày từ 2-3cm. Trong quá trình gieo nên chia nhỏ lượng mộng mạ cho từng luống để gieo cho đều.
Đối với gieo mạ dược, mạ dầy xúc:
Chọn chân đất tốt, chủ động về tưới tiêu. Đất được cầy bừa kỹ nhuyễn phẳng và sạch cỏ dại kết hợp với bón lót 200 – 300kg phần chuồng hoai mục + 13 – 15 kg Supe lân cho 1 sào mạ, vét rãnh, lên luống hình mui luyện có bề ruộng từ 1 – 1,2 m, chiều dài bằng chiều dài ruộng.
Diện tích gieo mạ để cấy cho 1 sào từ 15 – 20m2.
Trước khi gieo dùng đòn ống san cho mặt luống phẳng dốc về 2 bên rãnh luống rồi tiến hành gieo mạ.
Mạ gieo cần ném ngửa tay, tránh để hạt giống chìm quá sâu trong bùn.
Chia lượng giống làm 2-3 phần để gieo đi gieo lại 2-3 lần cho hạt giống phân bổ đều trên mặt luống.
Chú ý: bà con cần gieo mạ tăng 10% so với diện tích gieo cấy và dự phòng giống lúa ngắn ngày cho 20% diện tích cấy.
- Kỹ thuật chăm sóc mạ và phòng trừ sâu bệnh:
Thường xuyên giữ ẩm cho mặt luống mạ tránh để tình trạng khô nứt nẻ hoặc đọng nước.
Tuổi mạ đạt tiêu chuẩn đưa ra ruộng cấy, đối với mạ nền cứng từ 7-10 ngày (khi mạ 2-3 lá), đối với mạ dày xúc từ 10-12 ngày (khi mạ 3-4 lá) với mạ dược khi mạ 5-5.5 lá.
Thường xuyên kiểm tra ruộng mạ để có biện pháp phòng trừ kịp thời các đối tượng gây hại theo khuyến cáo của Chi cục Trồng trọt và BVTV.
Chú ý: Đồng thời với việc gieo mạ và chăm sóc mạ, cần khẩn trương làm đất, chuẩn bị đầy đủ vật tư phân bón và tổ chức đánh bắt chuột, ốc bưu vàng trước khi cấy, đảm bảo các điều kiện thuận lợi để gieo, cấy trong khung thời vụ tốt nhất.
Bùi Thị Phúc – TTKNNB