Khuyến nông Ninh Bình
Chủ nhật, 01/09/2024

Chào mừng 30 năm thành lập Trung tâm Khuyến nông Ninh Bình (1993-2023) 

MỘT SỐ GIẢI PHÁP KỸ THUẬT CHĂM SÓC, CHỐNG RÉT CHO CON NUÔI THỦY SẢN TRONG MÙA ĐÔNG

Thứ sáu, 19/11/2021 474
  • Đánh giá cho bài viết:
  • 0 điểm ( 0 đánh giá )

MỘT SỐ GIẢI PHÁP KỸ THUẬT CHĂM SÓC,

CHỐNG RÉT CHO CON NUÔI THỦY SẢN TRONG MÙA ĐÔNG

 

Theo các dự báo mới nhất của Trung tâm Dự báo Khí tượng thuỷ văn quốc gia, trong những tháng cuối năm 2021, sẽ có những đợt không khí lạnh làm nền nhiệt trung bình ban ngày ở Bắc Bộ xuống dưới 25 độ C. Trước tình hình thời tiết phức tạp như rét đậm, rét hại, nhiệt độ xuống thấp ảnh hưởng trực tiếp đến động vật nuôi thủy sản, đặc biệt là một số loài chịu rét kém như: cá rô phi, cá rô đồng, cá chim trắng, tôm càng xanh… bị chết, ảnh hưởng không nhỏ đến năng suất, sản lượng. Để chủ động trong công tác phòng chống rét, hạn chế tối đa thiệt hại do rét đậm rét hại gây ra thì người nuôi cần thực hiện một số biện pháp sau:

  1. Điều kiện nuôi:

- Nuôi trong bể: Đối với những cơ sở có hệ thống bể trong nhà thì nên nuôi thủy sản qua đông trong hệ thống bể. Bể nuôi đảm bảo có nguồn nước tốt, có sục khí, có hệ thống nâng nhiệt, đảm bảo nhiệt độ nước trong bể > 20 độ. Đối với ương giống qua đông, nên nuôi trên bể để hạn chế thiệt hại.

- Nuôi trong ao: Ao nuôi thủy sản qua mùa đông cần chọn ao kín gió, có diện tích từ 300-500m2, ao có hình chữ nhật, hướng Bắc - Nam. Có nguồn nước sạch, cấp và thoát nước dễ dàng, dễ gây màu, chất đáy tốt. Bờ ao phải chắc chắn, không để bờ ao rò rỉ mất nước làm ao cạn, phải luôn giữ mực nước trong ao trên 1,5m, tốt nhất là từ 2 - 2,5m. Các yếu tố thuỷ lý, thuỷ hoá ao nuôi phù hợp với sự phát triển của các đối tượng nuôi: pH >7, Oxy hoà tan >5mg/l.

  1. Một số biện pháp chống rét cho cá:

Khi nhiệt độ xuống dưới 20 độ, các hộ nuôi cần có các biện pháp chống rét kịp thời cho đàn tôm cá:

* Đối với các trại sản xuất giống: khẩn trương đưa đàn tôm cá lên hệ thống bể để chủ động nâng nhiệt độ nước lên trên 200C, bằng các biện pháp nâng nhiệt chủ động như: hệ thống nâng nhiệt dùng than, điện hoặc năng lượng mặt trời; nhưng chú ý không gây sốc cho tôm cá.

* Đối với ruộng nuôi cá lúa:

- Luôn luôn giữ mực nước >1,5m.

- Dùng sọt rơm… làm nơi trú ẩn. Tạo một góc ruộng nuôi sâu về phía Bắc, dùng các sọt đan bằng tre lấy rơm rạ dùng nước vôi phun vào sát trùng, phơi thật khô ấn đầy vào sọt, cắm cọc đơm sọt xuống đáy ao. Lúc trời rét cá, tôm… chui vào sọt tránh rét. Chú ý: Khi 10 – 15 ngày rơm rạ phân hủy thì các hộ nuôi cần vớt rơm lên tránh gây ô nhiễm môi trường ruộng nuôi.

- Mặt ruộng thả bèo tây, khoảng 2/3 diện tích ruộng nuôi được ngăn lại tránh tản đều khắp ruộng nuôi hoặc trồng chuối theo hàng về phía Bắc để chắn gió.

* Đối với các ao nuôi thâm canh, bán thâm canh

- Luôn luôn giữ mực nước từ 2,0 - 2,5m.

- Dùng bạt dứa, luồng quây chắn gió lùa trên mặt ao về hướng đông bắc.

- Đối với những ao nuôi có diện tích nhỏ, bể nuôi lưu giữ cá thì làm giàn trên mặt ao, bể và che phủ bằng bạt nilon để tăng khả năng giữ nhiệt độ.

* Với ếch: Làm hang cho ếch trú ẩn, hang làm bằng đất hoặc bằng các ống nhựa, ống tre, có một đầu rỗng, các ống này dài 0.5 - 0.6m, đường kính 0.15 -0.16m, bó thành từng bó 5 - 6 cái cho ếch chui vào trú, ống đặt ở góc hoặc thành bờ ao, trên ống dùng rơm rạ phủ để chắn gió cho ếch. Nếu nuôi trong bể xi măng dùng bạt hoặc túi nilon phủ kín mặt bể tránh rét cho ếch;

Để đảm bảo cho đàn tôm cá tồn tại và phát triển qua mùa đông, tốt nhất nên hộ nuôi nên dùng tổng hợp các biện pháp phòng chống rét, với phương châm “phòng hơn chống”. Cần chuẩn bị đủ vật tư, nguyên nhiên vật liệu chủ động cho phòng chống rét cho tôm cá. Đối với những đối tượng nuôi thương phẩm đạt kích cỡ, khi nhiệt độ xuống quá thấp cần thu hoạch ngay tránh gây thiệt hại cho nuôi trồng thuỷ sản.

  1. Chăm sóc, quản lý tôm cá trong mùa rét:
     a.Chế độ cho ăn:

- Thức ăn: Tuỳ vào giai đoạn sinh trưởng của đối tượng nuôi mà dùng thức ăn phù hợp. Bổ sung vitamin C vào thức ăn nhằm tăng sức đề kháng cho tôm cá với lượng dùng từ 3-5g/kg thức ăn. Tốt nhất là cho ăn thức ăn công nghiêp (TACN) phù hợp với từng giai đoạn phát triển của tôm cá.

- Thời điểm trước khi mùa đông đến cần tăng cường bổ sung dinh dưỡng cho cá để cá khỏe, có sức đề kháng với bệnh tật và tăng khả năng chống chịu được với thời tiết lạnh kéo dài bằng cách cho cá ăn đầy đủ thức ăn đảm bảo về số lượng và chất lượng.

- Khi nhiệt độ nước xuống dưới 180C, nên giảm 1/2 lượng thức ăn cho cá ăn. Khi nhiệt độ nước xuống thấp dưới 140C cần ngừng cho cá ăn vì ở ngưỡng nhiệt độ đó động vật  thủy sản gần như ngừng bắt mồi, nếu đưa thức ăn xuống sẽ gây ô nhiễm môi trường ao nuôi.

- Khi nhiệt độ từ 140C trở lên, tranh  thủ cho cá ăn vào thời điểm nhiệt độ cao nhất trong ngày, bổ sung thêm vitamin C, B.complex vào thức ăn nhằm tăng sức đề kháng cho cá với lượng dùng từ 3 - 5g/kg thức ăn. Với thức ăn công nghiệp nên chọn loại cám có hàm lượng đạm cao từ 28% trở lên để giúp cá hồi phục sức khỏe sau thời gian chống rét.

   b. Quản lý: 

* Quản lý các yếu tố môi trường: theo dõi chặt chẽ các yếu tố môi trường, đảm bảo các yếu tố môi trường phù hợp với sự tồn tại và phát triển của các đối tượng nuôi. 

* Quản lý sức khoẻ các đối tượng nuôi:

- Định kỳ 2 lần/ tháng sát khuẩn môi trường nước bằng vôi bột, với hàm lượng 1 – 2 kg vôi bột/100m2

- Khi thấy nước ao bị ô nhiễm, nên sử dụng các loại chế phẩm sinh học làm sạch nước cho ao nuôi như EM, Bioflock, BKC, VICATO...

- Trong suốt thời gian trú đông, tuyệt đối không được dùng lưới, các loại phương tiện đánh bắt cá, tránh cá bị xây sát dẫn đến bị nhiễm bệnh.

- Dọn sạch cỏ, rác trong ao và thức ăn thừa ở nơi cho cá ăn. Thường xuyên theo dõi diễn biến thời tiết để có hướng xử lý kịp thời khi có thay đổi bất thường xảy ra.

- Người nuôi nên thường xuyên theo dõi diến biến thời tiết, tình trạng sức khỏe thủy sản nuôi và các yếu tố môi trường nhằm phát hiện kịp thời các hiện tượng bất thường và có biện pháp xử lý phù hợp.

     4. Phòng và trị một số loại bệnh

Nhiệt độ thấp trong mùa đông là nguyên nhân làm cho một số loại bệnh phát triển gây bệnh cho cá.

* Bệnh ngoại kí sinh: Cá bị bệnh, màu sắc cá trở nên nhạt, cá thích tập trung ở nơi có đường nước chảy vào. Bệnh xuất hiện khi mật độ nuôi dầy, điều kiện vệ sinh kém, thời tiết lạnh và mưa kéo dài.

Phòng, trị bệnh: Thả nuôi mật độ vừa phải, tránh để ao bị ô nhiễm, dùng Chế phẩm sinh học chiết xuất từ lá xoan hoặc cây trâm bầu để trị bệnh.

* Bệnh đốm đỏ: Thân và vùng bụng bị xuất huyết, vảy dựng lên, các gốc vây xuất huyết và ứ nước vàng. Bụng cá trương to chứa dịch và đỏ bầm, cá bơi lội lờ đờ chậm chạp, ít ăn hoặc bỏ ăn.

Phòng, trị bệnh: Không nuôi mật độ quá dày, cho ăn đầy đủ về số lượng và chất lượng, môi trường ao nuôi luôn giữ ổn định và sạch sẽ. Định kỳ 15 ngày tạt vôi bột với lượng 3 kg/1.000 m3 (vôi hoà tan trong nước tạt đều khắp ao).

* Bệnh nấm thủy mi: Khi nấm mới ký sinh, mắt thường khó nhìn thấy, phần cuối của sợi nấm đâm sâu vào thịt cá, phần đầu của sợi nấm lơ lửng trong nước. Khi bệnh phát triển nhiều xuất hiện những đám bông màu trắng, gây cho cá ngứa ngáy, cá thường tập trung ở những nơi có nước chảy.

Phòng bệnh: Luôn giữ môi trường sống thuận lợi cho cá, nhất là vào những lúc trời lạnh, không để cá suy dinh dưỡng (thiếu ăn), không nuôi mật độ quá dày hoặc làm cá xây xát.

Trị bệnh: Dùng thuốc tím (KMnO4) tạt đều xuống ao liều 3 - 5 g/m3 nước, hoặc dùng muối ăn tắm cho cá trong 15 phút.

Lưu ý: khi dùng thuốc phòng, trị bệnh:

+ Không thay nước ao, cần giữ môi trường nước sạch và ổn định

+ Không kéo cá, dồn cá

+ Không cho cá ăn trước 1 ngày trước khi cho cá ăn thuốc phòng trị bệnh

+ Lượng thức ăn trộn với thuốc giảm bằng một nửa so với ngày bình thường để bảo đảm cá sử dụng hết thức ăn.

Vũ Thị Hiên - TTKN

 

Khảo sát

Bạn quan tâm mục gì nhất trong Website của chúng tôi?