Khuyến nông Ninh Bình
Chủ nhật, 01/09/2024

Chào mừng 30 năm thành lập Trung tâm Khuyến nông Ninh Bình (1993-2023) 

KỸ THUẬT VỖ BÉO BÒ THỊT

Thứ ba, 26/10/2021 363
  • Đánh giá cho bài viết:
  • 0 điểm ( 0 đánh giá )

KỸ THUẬT VỖ BÉO BÒ THỊT

Hiện nay, nhu cầu về thịt bò trong xã hội ngày càng tăng, nguồn thịt bò cung cấp cho thị trường chủ yếu là từ những con bò cỏ có tỷ lệ thịt xẻ thấp, chất lượng thịt chưa cao. Vì vậy, việc chăm sóc, vỗ béo đàn bò thịt là điều kiện cần thiết để làm tăng khối lượng và chất lượng thịt từ đó tăng thêm thu nhập cho người chăn nuôi.

  1. Chọn bò đưa vào vỗ béo

Bò đưa vào nuôi vỗ béo là những bò trưởng thành nhưng gầy do thiếu dinh dưỡng, bò tơ không đủ tiêu chuẩn làm giống hoặc những bò sinh sản đã hết khả năng sinh sản... Để nuôi vỗ béo lấy thịt đạt hiệu quả cao cần chọn những con không quá già, không mắc bệnh, ngoài ra cần lưu ý các yếu tố sau khi chọn bò vỗ béo:

- Giống: Các giống bò lai phát triển nhanh hơn các giống bò địa phương (bò lai BBB, bò lai Brahman...).

- Giới tính: Bò đực tăng trọng nhanh hơn bò cái.

- Tuổi: Bò càng già hiệu quả sử dụng thức ăn càng kém, khả năng tăng trọng chậm. Độ tuổi phù hợp để vỗ béo là từ 18 - 24 tháng.

- Thể trạng: Bò có thể trạng gầy, khung xương to cho hiệu quả cao hơn bò có thể trạng béo.

- Bò bị bệnh phải điều trị khỏi bệnh trước khi đưa vào vỗ béo.

  1. Tẩy ký sinh trùng

Bò trước khi đưa vào vỗ béo phải được tẩy kí sinh trùng theo các phương pháp sau:

* Ngoại kí sinh trùng:

Sử dụng các loại thuốc có phổ hoạt lực rộng như neuguvon hoặc asunto hòa thành dung dịch tắm hoặc xoa trên da con vật đặc biệt là vùng bẹn, vùng nách, vùng yếm.

* Nội kí sinh trùng:

- Levamisole  : Liều 1g/ 7-10kg TT, pha nước hoặc trộn vào thức ăn, dùng liên tục không quá 2 ngày.

  1. Thức ăn

* Vỗ béo bằng phương thức nuôi chăn thả có bổ sung thức ăn tại chuồng: áp dụng ở những nơi có diện tích đồng cỏ lớn và năng suất đồng cỏ có thể đảm bảo cung cấp được từ 20 – 25 kg cỏ/con bò/ngày. Bò được chăn thả 8 – 10 giờ/ngày ngoài bãi chăn để tận dụng được nhiều cỏ tươi mà không phải tốn công thu cắt cỏ và vận chuyển về chuồng.

Sau khi chăn thả, bò được bổ sung thêm thức ăn tinh và muối ăn.

* Vỗ béo bằng phương thức bán chăn thả: áp dụng ở những hộ có diện tích đồng cỏ giới hạn, bò ăn một phần cỏ ngoài bãi chăn và được cung cấp thêm thức ăn tinh tại chuồng.

* Vỗ béo bằng phương thức nuôi nhốt: Cần cung cấp đầy đủ thức ăn, nước uống và cho ăn tự do theo nhu cầu. Chuồng nuôi thoáng mát, sạch sẽ, bò đi lại tự do trong chuồng. Theo dõi số lượng thức ăn hàng ngày để bổ sung và điều chỉnh lượng thức ăn kịp thời.

Khẩu phần ăn hàng ngày gồm các nhóm thức ăn chính sau:

- Thức ăn thô xanh: Các loại cỏ, rơm (có thể bổ sung thêm thức ăn ủ chua, phụ phẩm công nghiệp như bã bia, bã rượu, rỉ mật, bã đậu, bã dứa...) là thành phần chính trong khẩu phần ăn của bò, có thể cho ăn với định mức bằng 8,5 - 10% khối lượng cơ thể.

- Thức ăn tinh: Các loại hạt ngũ cốc, họ Đậu, cám (cám gạo, cám mỳ...), thức ăn hỗn hợp... bổ sung với định mức bằng 0,75 - 1,15% khối lượng cơ thể.

- Khoáng và vitamin: Có thể sử dụng tảng đá liếm để bổ sung khoáng và vitamin cho bò.

* Phương pháp cho ăn:

- Lúc đầu nên cho bò ăn nhiều thức ăn thô xanh, tập cho bò ăn ít thức ăn tinh để bò làm quen với khẩu phần năng lượng cao trong thời gian 5 – 10 ngày. Có thể rải đều thức ăn tinh trên cỏ hoặc đưa trực tiếp vào miệng để bò quen mùi vị.

- Khi cho bò ăn theo khẩu phần vỗ béo cần tập dần để bò quen thức ăn mới, sau đó tăng dần khẩu phần theo khối lượng cơ thể bò.

  1. Thời gian vỗ béo

Thời gian vỗ béo 60 - 90 ngày (dự kiến tăng trọng trung bình 30kg/con/tháng) tùy theo loại bò, đảm bảo được yêu cầu chăn nuôi vỗ béo bò là tiêu tốn thức ăn thấp nhất, tỷ lệ tăng trọng cao nhất và có hiệu quả kinh tế cao nhất. Nếu dưới 2 tháng thì bò chưa phát huy hết khả năng tăng trọng, còn nếu kéo dài trên 3 tháng thì nuôi sẽ bị lỗ do bò sử dụng nhiều thức ăn tinh và lúc này khả năng tăng trọng của bò giảm dần, hiệu quả kinh tế sẽ không cao.

  1. Vệ sinh thú y

- Định kỳ tẩy uế chuồng trại, khu vực xung quanh chuồng nuôi, phát quang bờ bụi, khơi thông cống rãnh, thu gom xử lý chất thải.

- Chuồng nuôi nên xây dựng ở những nơi cao ráo, sạch sẽ, thoáng mát về mùa hè, ấm áp về mùa đông, diện tích chuồng nuôi bình quân 3-5 m2/ con.

- Đảm bảo thức ăn nước uống luôn sạch sẽ và đầy đủ.

- Thường xuyên kiểm tra theo dõi đàn bò khi có biểu hiện không bình thường cần can thiệp ngay, định kỳ tẩy nội, ngoại ký sinh trùng cho bò, nhất là bò trước khi vỗ béo. Đồng thời tiêm đầy đủ các loại các loại vacxin phòng bệnh bắt buộc cho bò như: bệnh tụ huyết trùng, lở mồm long móng, ...

Đỗ Thị Bích Ngọc - TTKN

Khảo sát

Bạn quan tâm mục gì nhất trong Website của chúng tôi?