Chăm sóc gia súc, gia cầm trong những ngày nắng nóng
Hiện tại, miền Bắc đang bước vào giai đoạn nắng nóng cao điểm, nhiệt độ tăng cao làm ảnh hưởng đến sinh trưởng, phát triển của đàn gia súc gia cầm. Để chủ động phòng chống nắng nóng cho đàn vật nuôi bà con cần thực hiện tốt các biện pháp kỹ thuật sau:
- Thực hiện chống nóng chuồng nuôi:
Sử dụng lưới đen, vải bạt… để che nắng, đồng thời tăng cường trồng các loại cây xanh quanh khu vực chuồng nuôi để tạo bóng mát.
Bố trí hệ thống giàn phun mưa, phun nước trực tiếp lên mái chuồng nuôi để giảm nhiệt độ chuồng vào những thời điểm nắng nóng cao độ trong ngày (từ 11h trưa đến 16h chiều). Khi phun mưa cần chú ý tăng cường thông gió và thoát nước ở xung quanh chuồng nuôi để tránh ẩm độ trong chuồng nuôi tăng cao ảnh hưởng đến sức khỏe đàn vật nuôi.
Bên trong chuồng có thể sử dụng quạt điện làm giảm hơi nóng và khí độc sinh ra từ chất thải vật nuôi… Lưu ý khi lắp quạt thông gió nên lắp ngang tầm lưng gia súc, không treo quạt từ trên trần để tránh thổi khí nóng từ mái chuồng xuống gia súc.
Với kiểu chuồng kín: Trước mỗi đợt nắng nóng nên kiểm tra, vệ sinh giàn mát, quạt thông gió đảm bảo hoạt động tốt. Những ngày nắng nóng cao điểm nên tăng cường hệ thống quạt thông gió để ổn định nhiệt độ và ẩm độ trong chuồng nuôi. Cần có hệ thống cấp điện dự phòng để chủ động nguồn điện cung cấp.
Đối với thỏ là vật nuôi rất nhạy cảm với nhiệt độ, có ít tuyến mồ hôi dưới da, cơ thể chủ yếu thải nhiệt qua đường hô hấp, nếu nắng nóng kéo dài trên 35oC thì thỏ dễ bị cảm nóng do đó chuồng trại cần phải sạch sẽ, thoáng mát, nhiệt độ thích hợp khoảng 25 – 28oC.
Đối với gà nuôi trên nền đệm lót sinh học bà con cần lưu ý: làm đệm lót bằng ½ so với ngày thường, làm sàn đậu cho gà cách bề mặt đệm lót 50 cm vì nhiệt độ trên bề mặt đệm lót luôn cao hơn so với nhiệt độ chuồng nuôi 2 – 3oC.
Với trâu bò: Chăn thả vào sáng sớm và chiều mát (sáng từ 6 – 9 giờ, chiều từ 16 – 18 giờ). Nên buộc trâu bò ở những nơi có cây xanh bóng mát cho trâu bò nghỉ ngơi. Tắm chải cho trâu bò 2- 3 lần/ngày để làm giảm nhiệt độ cơ thể.
- Thực hiện chế độ chăm sóc, nuôi dưỡng hợp lý:
Giảm mật độ nuôi nhốt vật nuôi: đối với gia cầm nuôi nhốt với mật độ vừa phải: gà úm: 45-50 con/m2, gà từ 0,5 – 1,0 kg: 20-25 con/m2, gà 2-3 kg: 6-8 con/m2, nếu nóng quá nên thả gà ra vườn đồng thời tăng thêm sào đậu, máng ăn, máng uống. Đối với lợn: mật độ nuôi nhốt thích hợp đối với lợn nái là 3-4 m2/con, lợn thịt là 2m2/con.
Cung cấp đủ nước mát, sạch, bổ sung thêm VtmC, điện giải, đường glucose, nhằm nâng cao sức đề kháng cho vật nuôi.
Điều chỉnh khẩu phần ăn hợp lý, giảm thức ăn tinh để hạn chế sinh nhiệt, bổ sung thêm rau xanh, cho vật nuôi ăn vào lúc trời mát hoặc ban đêm để tăng khả năng thu nhận thức ăn.
- Tăng cường công tác vệ sinh thú y:
Tăng số lần thu dọn, vệ sinh chất thải trong chuồng để giảm sức nóng, khí độc sinh ra từ quá trình phân giải chất thải. Đảm bảo chuồng trại luôn khô ráo sạch sẽ.
Cần chủ động phòng một số bệnh khi thời tiết thay đổi như cầu trùng, viêm phổi, tiêu chảy, tụ huyết trùng,…
Phun thuốc sát trùng để tiêu diệt mầm bệnh lây lan, tiêm phòng đầy đủ các loại vac xin cho vật nuôi theo hướng dẫn của cơ quan thú y.
Thường xuyên theo dõi sức khỏe đàn vật nuôi, phát hiện sớm vật nuôi có các biểu hiện do nắng nóng gây ra như : ủ rũ, mệt mỏi, thở nhanh… để xác định nguyên nhân và đưa ra biện pháp xử lý kịp thời.
Đỗ Thị Bích Ngọc – TTKNNB